Lục bát đầu đông

1
Bao ngày lạc bước nẻo hoang
Câu thơ viết dở chẳng màng viết thêm
Cuối mùa bão rớt từng đêm
Bấy thương sợi nắng mỏng mềm chốn xa

2
Quê hương đâu cũng là nhà
Phiêu du mấy độ, phong ba đã từng
Chiều nay trời bỗng rưng rưng
Qua sông chợt nhớ người dưng áo màu

3
Mơ màng yên ngựa vó câu
Mây Hàn giang rũ trắng sầu chinh phu
Tóc dài chưa xõa gió thu
Đã thành vương vấn mịt mù mưa đông

4
Một tay ôm giấc phiêu bồng
Vần thơ rụng vỡ bên sông bão bùng
Nước lên cho sóng chập chùng
Đò ngang gió dội mông lung bến bờ…

2013
Nguyễn Sinh k7

Màu Tím


Lần gặp đầu tiên áo em màu tím
Tia nắng hè rạo rực cánh bằng lăng
Tà áo bay làm sóng cuộn đất bằng
Làn gió nhẹ đong đưa bờ tóc bím

Lúc quen nhau em nói tên màu tím
Thu chưa về đã ngan ngát hương xoan
Con đường quen mà chân bỗng rộn ràng
Nghiêng nón mỏng vờ che vành môi mím

Khi hò hẹn em bảo yêu màu tím
Ánh trăng ngà mươn mướt giậu mồng tơi
Mắt xa xăm theo tiếng nhạn lưng trời
Lời thỏ thẻ vương nụ hồng chúm chím

Buổi chia ly em choàng khăn màu tím
Heo may về sim rụng khắp đồi hoang
Tầng tháp xưa đang ngả bóng điêu tàn
Hoàng hôn xuống cho bờ mi nhuộm tím

6/10
Nguyễn Sinh k7

Tình Thơ

Phải đâu vì ngọn gió thu
Hàng me lối cũ mịt mù lá bay
Phải đâu bởi chén rượu say
Mà hồn thơ lạc bóng mây bềnh bồng

Nửa đêm khêu sợi bấc nồng
Thắp lên ngọn nến gửi lòng người xa
Mộng về một thuở trăng hoa
Nghe xao xuyến dậy vỡ òa dòng yêu

Năm xưa yếm thắm dải điều
Em thời thiếu nữ mỗi chiều hong phơi
Ngây thơ bên giấc xuân đời
Khi mùa thu tới tình rơi bến sầu

Câu vần ghép lại cùng nhau
Hòa lên âm điệu thấm màu nắng mưa
Cho dầu đời có đẩy đưa
Cũng xin mãi giữ buổi xưa cợt đùa

22/9
Nguyễn Sinh k7

MƯA KỶ NIỆM

Mưa đó ư? Người về từ xưa cũ
Tình cảm nào đã cuốn hút hồn ta
Nơi sâu thẳm, lẽ thường Quân Sư Phụ
Chốn xa xôi người trở bước quê nhà

Mưa đó ư? Hẹn rồi nhưng không gặp
Giữa trần đời thui thủi một mình ta
Mưa vẫn rơi, rơi cả miền quen lạ
Đưa ta về kỷ niệm tuổi hương hoa

28/7/2012
Nguyễn Sinh k7

Chiều Mưa

Quê mình không có mùa thu
Mà sao trời bỗng âm u chiều này
Phố phường lấm hạt mưa bay
Chợt nghe kỷ niệm lắt lay gió nồng

Bao năm lạc chốn bụi hồng
Em mang phận kẻ theo chồng đất xa
Mua buồn tím những mùa hoa
Trường xưa đã vắng ai qua mỗi chiều

Hết rồi năm tháng phiêu diêu
Anh về ghép lại vần yêu một thời
Gặp nhau giữa tiếng thơ rơi
Khi chiều đang ngả bóng đời trong nhau

Quên rồi cổ tích trầu cau
Trăng khuya đã rụng bến cầu năm xưa
Ngoài hiên tí tách giọt thưa
Trong lòng trĩu nặng cơn mưa đầu mùa

13/9/2013
Nguyễn Sinh k7

Khẩn khoản

Em về thăm lại quê chưa?
Qua sông nhớ chuyến đò đưa năm nào
Bần thần quên cả lời trao
Bầy chim trên bến lao chao gọi tình

Phố sang em bước một mình
Bao năm theo đuổi bạc tiền mãi thôi
Không còn hát điệu ầu ơi
Tóc mây gió cuốn xa rồi người đi

Lối xưa nay chẳng còn gì
Tiềng ve vọng nỗi tình si cuộc tình
Bằng lăng đã hết dáng xinh
Phù dung rã cánh tàn duyên bên bờ

Hạ đi thu đến mong chờ
Anh về chép lại vần thơ úa nhàu
Bao giờ mới gặp được nhau
Cho hồn quê giập miếng trầu làm đôi

Cho người nhớ lại tình tôi
Ngày thu ra bến sông ngồi hóng vơ
Dẫu lòng đang vẫn thờ ơ
Cũng xin em một giấc mơ giữa chiều

9/8
Nguyễn Sinh k7

Bạn gái của ông ngoại

Chị Hường nói mỗi khi con bé Lan Anh con chị reo lên: “A, bồ của ông ngoại tới chơi nè!” là chị như muốn… độn thổ với hàng xóm.

Bực, cực

Khi đó, tức khi bồ của ông ngoại đến chơi, con của chị sẽ lăng xăng mở cổng. “Cô dâu tương lai” (chỉ chờ chị Hường đồng ý) bẽn lẽn xách quà bánh, trái cây vào với nụ cười rất tươi. Ba chị sẽ chạy vội lên lầu (bình thường ông đi và… vịn cầu thang!) để thay đồ đẹp đón người yêu. …

Mẹ chị mất khi chị mới học lớp 7. Biết là ba sẽ “đi bước nữa” nhưng sao không đi sớm hơn, để bây giờ chị đã học xong đại học, ra trường, đi làm rồi có gia đình riêng ông mới… tòm tem! Và nữa, nghĩ đến mẹ, chị Hường không đành lòng. Chị luôn có cảm giác tức anh ách khi người phụ nữ đó xuất hiện. Bực hơn là tuổi của “cô dâu tương lai” – chị luôn mỉa mai như thế – mới có 43 tuổi, hơn chị vài tuổi và… nhỏ hơn ông xã chị 2 tuổi!

Có lần, chị đi công tác về thấy cả nhà đang ngồi ăn cơm cùng bồ của ba. Ba chị đương nhiên vui tươi hớn hở. Con bé Lan Anh hết kể chuyện đến hát hò cho “ông bà” nghe. Thay vội bộ đồ, miễn cưỡng ngồi ăn cùng cho phải phép thì chị Hường nổi điên khi chồng mình cứ tủm tỉm cười. Bực quá chị lên phòng, không thèm ăn nữa. Lát sau chồng mới giải thích: “Là anh thấy buồn cười quá không nhịn được khi nghĩ dì ấy nhỏ tuổi hơn anh, thế thôi!”. Và anh úp mặt vào gối để khỏi phát ra tiếng cười ha ha đang cố nén.
Cực nhất là khi chị Hường lỡ lời: “Yêu đương gì? Cô ấy nhìn vào cái nhà của ba cháu thì có!”. Không biết lời nói đi loanh quanh thế nào từ bà hàng xóm đến tai bồ của ba và người ta giận không đến nữa. Ba chị… chính thức tuyệt thực để phản ứng với “suy nghĩ xấu” của con gái.

Thử bình tâm tìm hiểu, chị biết ba mình quen cô Hà (giờ chị mới thèm để ý đến cái tên!) ở một hội thơ văn nào đó. Ba chị có vài bài thơ đăng báo, vài bài được bạn bè phổ nhạc tặng. Cô Hà là “cây văn nghệ” của phường. Cô có giọng ngâm thơ hay, hát ngọt ngào và trái tim ông già xao xuyến hồi nào không hay. Tình duyên trắc trở sao đó nên cô Hà chưa có chồng. Tưởng như không yêu thương gì ai nữa, một ngày trái tim cô lỗi nhịp trước là tình yêu thơ nhạc, sau là… tình trăm năm trừ vài chục năm tuổi tác! Gia cảnh cô không đến nỗi nào nên chuyện “chiếm gia tài” như chị Hường nghĩ làm tổn thương “cô dâu tương lai” cũng phải.

Người yêu không đến chơi, ba chị Hường buồn bỏ cơm mấy ngày. Ông chỉ ở trong phòng, lên mạng đọc báo. Con bé Lan Anh cũng buồn buồn vì không có… bạn! Trước đây, thỉnh thoảng chị Hường đi làm về thấy nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ, trên kệ bếp có hũ cải chua, cà pháo muối nay thì vắng lặng. Chồng nói em “xuống nước” nhanh đi thôi, ba nhịn nữa là nguy đó, người già ít có năng lượng dự trữ…
Chị Hường mon men lên phòng ba. Chị khựng lại khi nghe tiếng ba nói chuyện qua điện thoại và thở dài: “Thôi em ạ. Có lẽ mình nên dừng lại. Em cũng biết anh thương con gái mình biết chừng nào. Nó mất mẹ từ nhỏ nên anh phải bù đắp. Từ trước tới nay, có vài người muốn đến với anh nhưng anh phải nhường bước cho con học hành, có cuộc sống gia đình ổn định. Đành vậy, một lần nữa anh vì con…”.
Chị Hường khóc và biết chắc lần này mình “nhường bước” cho ba.

Nguồn: Hồng Tuyết

BƯỚC CHÂN

Ngày xưa trên đỉnh Trường Sơn
Trăng treo đầu súng, mây vờn bước chân
Anh đi lòng chẳng phân vân
Quê hương vẫy gọi tuổi xuân lên đường

Chiều nay giữa chốn phố phường
Cơn mưa nặng hạt làm vương dấu giầy
Tình nào man mác trời mây
Nhuốm lên màu tóc tháng ngày phiêu du

2/9/2013
Nguyễn Sinh k7

Em trở lại

Em trở lại, bờ vui thành chất ngất
Xua hết mây mù năm tháng nặng mang
Màu áo xanh rạng ánh mắt huy hoàng
Để anh thỏa niềm khát khao mong nhớ

Em trở lại bến chiều quê một thuở
Sóng tình dâng theo ánh nắng đầu thu
Con đường xưa dẫu sương xuống mịt mù
Em cũng vẫn theo anh cùng muôn nẻo

Em trở lại thành hai đường gạch chéo
Mãi bên nhau một giao điểm tuyệt vời
Trăng lên rồi tô thắm lại vành môi
Bến tình nhỏ ngọt ngon mùa thấm thía

10/7/2012
Nguyễn Sinh k7

Nàng dâu nhỏ

Anh làm rể, em làm dâu
Chơi trò đám cưới qua cầu đêm trăng
Em xinh tựa bóng chị Hằng
Anh thì ngờ nghệch như thằng Cuội con

Trời không cho cuộc vuông tròn
Bến quê ngày cũ đâu còn người xưa
Nhịp cầu trơ dưới nắng mưa
Mặc cho con nước sớm trưa lên ròng

Đường đời nhiều nỗi long đong
Từng đêm nghe sóng dội lòng sông sâu
Thu chưa về đã nhớm ngâu
Tình không trọn để úa nhàu giấc mơ

Thương chi một ánh sao mờ
Nhớ chi cánh nhạn bâng quơ cuối chiều
Trăng suông soi bóng cầu kiều
Trong anh em vẫn mỹ miều nàng dâu

10/8/2013
Nguyễn Sinh k7